Tên gọi, phân nhóm
Tên khác: Dây móc câu , dây móc câu, lưỡng câu, câu đằng câu
Tên khoa học: Uncara rhynchophylla Mig Jacks, và một số loài Uncaria khác họ Cà phê (Rubiaceae)
Tên Tiếng Trung: 勾藤
Mô tả cây
Câu đằng là một loại dây leo, mọc hoang ở miền núi, dài 7- 8m. Lá mọc đối có cuống hình trứng, đầu nhọn, khá to, dài 6 – 10cm, rộng 3 – 6cm, mặt trên bóng. nhẵn, mặt dưới như có phấn mốc, ở kẽ lá có gai mọc cong quắp lại (2 móc cũng đối nhau 2 bên như lá). Một cành có tới 4 – 6 đối móc câu. Hoa nhỏ hợp lại hình cầu đường kính độ 10mm, hoa 5 cánh màu trắng ngà. Quả nang chứa nhiều hạt.
Phân bố, sinh thái
Câu đằng ở Trung Quốc có nhiều ở các tình Quảng Tây, Quế Lâm, Liên Huyện. Ở Việt Nam cây câu đằng mọc hoang vùng núi các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, khu Tây Bắc, Hòa Bình.
Bộ phận dùng
Đoạn thân có gai hình móc câu đã chế biến khô của cây câu đằng
Thu hái, chế biến
Lấy các đoạn dây câu đằng bánh tẻ, chặt lấy những đoạn có móc câu độ 2cm, cắt sát gần móc câu, phơi sấy đến khô là được.
Thành phần hóa học
Trong câu đắng có 2 chất alcaloid (rhynchophylin C22H28O4N2 và isorhynchophyllin C22 H28O4N2
Tính vị – Quy kinh
Vị ngọt, tính hơi lạnh, vào 2 kinh Can và tâm bào
Tác dụng
Theo đông y: Câu đằng có tác dụng: thanh can, tức phong, tiềm dương
Theo Tây y: Cầu đằng có tác dụng giảm huyết áp, an thần, chống co giật, làm dịu thần kinh, giảm đau.
Dùng chữa các chứng phong do can nhiệt. động kinh co giật do sốt cao, các chứng đau váng đầu, bứt rứt không yên, do can dương bốc lên, tăng huyết áp.
Sách Biệt lục ghi; Câu đằng chuyên chữa tiểu nhi nóng sốt và 12 chứng sài kinh giản.
Sách của Lý Thời Trận ghi: Câu đằng chữa các chứng đầu quay, mắt mờ, trẻ em đau bụng, phát ban chẩn.
Sách của Hoàng Cung Tú ghi: Câu đằng vị ngọt hơi đắng, chuyển vào tâm can kinh. Can chủ phong, tâm chủ hoả. Hoả gặp phong thì bốc càng mạnh cho nên sinh các chứng: Người lớn thì đầu quay mắt mờ, đàn bà thì xích bạch đới, trẻ em thì kinh giản, Uống Câu đằng thì phong tĩnh, hoả tắt, các bệnh phải khỏi.
Kiêng kỵ
Người không có phong nhiệt và thực hỏa cấm uống.
Rễ câu đằng có thể dùng chữa tê thấp, viêm khớp
Liều dùng
10 – 20g. (Không nên sắc hoặc đun câu đăng lâu sẽ hủy rhynchophyllin)
Bài thuốc chữa bệnh có Câu đằng
Bài số 1:Chữa động kinh, co giật do sốt cao (phong do can nhiệt):
Câu đằng 12g, Thiên ma 10g, Mộc hương 2g, Tê giác 2g, Bo cạp 4g, Cam thảo 3g. Sắc uống.
Bài số 2: Chữa sài uốn ván (kết hợp với tiêm vacxin chống uốn ván):
Câu đằng 18g, Rết 5 con, thạch cao 12g, hoàng cầm 10g, bạch phụ tử 12g, Thiên nam tinh 6g, thuyền thoái 45g, tang diệp 15g, bọ cạp 10g. Sắc uống ngày 1 thang
Bài số 3: Bình can, tiềm dương chữa huyết áp cao, váng đầu bứt rứt do can dương bốc lên: Câu đằng 12g, Giun đất khô 10g, Kim ngân hoa 10g, cúc hoa 10g, bạc hà 5g. Sắc uống.